Phát biểu tại lễ khánh thành Khánh thành tổ hợp chế biến thịt mát đầu tiên của Việt Nam tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hôm nay (23/12), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, sản phẩm "thịt mát" trong chuỗi giá trị thịt từ trang trại đến bàn ăn theo tiêu chuẩn Global Gap là mối liên kết 4 nhà cùng phát triển.
Ngày 23/12, tại Hà Nam diễn ra lễ khánh thành Dự án Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam đầu tiên theo tiêu chuẩn châu Âu của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng tại Hà Nam.
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng đại diện nhiều bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương.
Đây là một tổ hợp khép kín đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng tiêu chuẩn thịt mát của châu Âu, “nói không” với kháng sinh, chất cấm và được bảo quản ở nhiệt độ lý tưởng. Tổ hợp được các chuyên gia châu Âu giàu kinh nghiệm trực tiếp vận hành, kiểm soát.
Tổ hợp chế biến thịt mát nói trên có công suất thiết kế 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương 140 nghìn tấn/năm. Dự án có mức vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, với dây chuyền thiết bị đồng bộ, tiên tiến do Marel – công ty hàng đầu thế giới về thiết bị giết mổ, chế biến thịt của Hà Lan cung cấp. Toàn bộ quy trình sản xuất theo công nghệ thịt mát từ Châu Âu. Thịt lợn sau khi chế biến sẽ được làm mát và đóng gói với công nghệ Oxy-Fresh ngay tại nhà máy nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Sản phẩm thịt lợn Meat Deli sẽ luôn được bảo quản liên tục ở nhiệt độ 0 độ C đến 4 độ C từ nhà máy đến tận tay người tiêu dùng…
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), người dân vẫn có thói quen tiêu dùng thịt tươi còn gọi là "thịt nóng" tuy nhiên theo tiêu chuẩn quốc tế thịt có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm phải là "thịt mát". Theo đó, lợn được chăn nuôi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sau khi giết mổ xong, "thân thịt" được làm mát xuống từ 0 độ C đến 4 độ C và giữ nhiệt độ đó trong toàn bộ quá trình sau giết mổ, pha lóc, vận chuyển, bảo quản và phân phối.
Cũng theo ông Tiệp, với tiêu chuẩn thịt mát không những đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn chất lượng cao bởi sau khi quá trình chín "sinh hóa" ở nhiệt độ từ 0 độ đến 4 độ thì thịt sẽ đạt được chất lượng với vị thơm vị ngọt đặc thù của thịt lợn cao cấp. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã ứng dụng công nghệ này từ lâu, hiện nay chúng ta đã xây dựng tiêu chuẩn thịt mát và tổ hợp trên là cơ sở đầu tiên đạt tiêu chuẩn về trang thiết bị, quy trình thực hành, về nhân lực có thể sản xuất ra "thịt mát" đạt tiêu chuẩn Việt Nam, tương đương với tiêu chuẩn quốc tế phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện nói trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ông Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, trách nhiệm của doanh nghiệp, chính quyền địa phương, đồng thời đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân cùng phát triển theo hướng tổ chức lại sản xuất từ chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ sang phát triển hàng hóa, chế biến sâu qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi trong phát triển nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện cho nông dân có việc làm.
"Làm tốt khâu chế biến là điều kiện để tiếp tục mở rộng phát triển ngành chăn nuôi trên cơ sở tạo ra chuỗi khép kín từ khâu tạo nguyên liệu, chế biến và tổ chức thị trường đồng nghĩa như vậy có thể mở ngay phân khúc thị trường ở thị trường nội địa với 100 triệu dân Việt Nam. Thứ hai là có điều kiện để kiểm soát thực phẩm, truy xuất rõ ràng và giá cả phải chăng, qua đó xuất khẩu được đi thị trường thế giới. Như vậy, không chỉ đảm bảo thực phẩm sạch cho người dân mà còn có cơ hội để tiếp tục mở rộng, phát triển ngành chăn nuôi, trong đó có sản phẩm thịt lợn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Các đại biểu xem sản phẩm thịt mát.