TIN TỨC

Những thông tin đặc sắc về Tập đoàn Masan và thị trường

01/08/2024

Triển vọng của cổ phiếu Masan Group trong dài hạn

Thị trường Việt Nam 6 tháng vừa qua

Công ty Chứng khoán SSI phân tích trong Báo cáo chiến lược tháng 7 rằng số liệu vĩ mô quý 2 và 6 tháng đầu năm tiếp tục xu thế phục hồi, nhất là ở khu vực sản xuất chế biến chế tạo. Khả năng chính sách điều hành sẽ tập trung vào các mục tiêu có tính chất ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm tỷ giá và lãi suất trong nửa cuối năm nếu tăng trưởng GDP đạt và có thể vượt kế hoạch 2024. Có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ của lạm phát.

Chuyên gia SSI đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mang nhiều gam màu sáng khi tiếp nối đà phục hồi từ tháng 11/2023 và tiếp tục cải thiện về điểm số. Chỉ số VNIndex đã tăng trưởng tích cực 10, 2% từ đầu năm mặc dù trải qua đợt điều chỉnh nhẹ cuối tháng 4 và tiếp tục sụt giảm 1, 3% trong tháng 6.

Trong tháng 6, dòng tiền chảy vào các quỹ đầu tư thế giới bứt phá do tác động về chính sách tiền tệ, điển hình là thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Với Việt Nam, xu hướng bán ròng mạnh của khối ngoại có thể quan sát rõ ràng nhất thông qua các quỹ ETFs với việc giải thể quỹ iShares Frontier.

SSI nhận định, VN-Index còn tăng mạnh vào cuối năm và đầu năm 2025, đặc biệt khi nền kinh tế bắt đầu quá trình phục hồi. Tăng tiền lương tối thiểu cho khối nhà nước kể từ 1/7; chương trình kích thích tiêu dùng cắt giảm thuế VAT 2% được kéo dài đến cuối năm; Triển vọng kinh tế sẽ tốt lên nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào cuối tháng 7 và rào cản đối với quá trình nâng hạng đang từ từ được khắc phục.

Nên chọn lọc những ngành nào để đầu tư cho nửa cuối 2024 này

Với sự phục hồi của thị trường cùng với sự tăng trưởng tích cực của những doanh nghiệp niêm yết, hai nhóm ngành nổi bật được Mirae Asset chỉ ra mà các nhà đầu tư có thể kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2024 này.

Đầu tiên là ngành bất động sản. Theo nhận định của Mirae Assets, việc Luật Đầu tư 2024, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản 2023 cùng 2 điều Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực kể từ thời điểm 1/8/2024 sẽ mở ra hành lang thuận lợi đối với các nhà đầu tư bất động sản đang có khả năng thực hiện dự án tốt.

Thứ hai là các ngành bán lẻ. Triển vọng của nhóm ngành bán lẻ đến từ đà tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2024 do nhu cầu chung của thị trường cùng việc chuyển dịch danh mục đầu tư của các tập đoàn lớn trong ngành. Bên cạnh đó, Nghị định 73/2024/NĐ-CP về mức lương tối thiểu và cơ chế trả thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã được Chính phủ ban hành. Theo đó mức tiền lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng áp dụng từ ngày 1/7 thay thế cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện nay, việc này hứa hẹn đem tới nhiều triển vọng đối với ngành bán lẻ.

3 cổ phiếu bán lẻ hàng đầu được khuyến nghị mua cho nửa cuối năm 2024 của AFA Vietnam là MSN của Masan Group, PNJ của vàng bạc đá quý Phú Nhuận và DGW của CTCP Thế Giới Số.

Chiến lược vững chắc, tạo động lực tăng trưởng cho giá cổ phiếu Masan Group

Tập đoàn Masan trong năm 2024 sẽ dốc sức xây dựng "viên kim cương gia bảo" Masan Consumer (Mã MCH) để trở thành niềm tự hào trong hành trình phục vụ người tiêu dùng. Đây sẽ là "đại sứ ẩm thực" mà Masan đưa đến toàn cầu, tìm kiếm hướng đi từng bước vững chãi trong sứ mệnh đưa văn hoá Việt Nam đến 8 tỷ dân trên toàn cầu với các thương hiệu vững mạnh.

MCH đã tạo dựng thành công 05 thương hiệu lớn có doanh thu mỗi năm đạt 150 triệu đến 250 triệu USD: Kokomi, Omachi, CHIN-SU, Nam Ngư và Wakeup 247, góp phần vào khoảng 80% tổng tăng trưởng doanh thu. Kể từ năm 2017 đến năm 2023, Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2, 2 lần tốc độ thị trường chung. Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc của Masan Consumer, cho rằng kết quả trên mới là khởi đầu trong nỗ lực của Masan Consumer nhằm chiến thắng ngành FMCG của Việt Nam. "Tham vọng chiến lược của Masan Consumer là thâu tóm 6 thương hiệu tỷ đô, hiện thực hoá chiến lược" Go Global "và trở thành doanh nghiệp số một Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận với mô hình FMCG mới", ông nhấn mạnh.

Ở mảng bán lẻ, WinCommerce với chuỗi bán lẻ WinMart, cửa hàng WinMart +, WiN là chuỗi bán lẻ hiện đại có quy mô lớn nhất cả nước. Doanh thu của Wincommerce là 30.000 tỉ năm 2023 và dự kiến tăng trưởng tới 33. 000 tỉ trong năm 2024. Trong đó, chuỗi mini mart, hiện đóng góp khoảng 75% doanh thu, đã tăng trưởng gần gấp đôi trong giai đoạn 2019 - 2023, và khoảng 2. 000 cửa hàng đã có lợi nhuận về EBITDA (gấp 10 lần so với doanh số năm 2019).

WCM đã thiết lập các chính sách về giá, công bố mức giá tới thị trường thông qua đội ngũ nhân sự tại từng cửa hàng, cũng như truyền thông trên nền tảng digital về chính sách giá của sản phẩm tại WCM từ cuối năm 2023. Cùng với đó, đơn vị bán lẻ này luôn duy trì mức giá cạnh tranh so với thị trường, cung cấp sản phẩm "giá tốt" cho người tiêu dùng tại cả vùng đô thị và nông thôn. Bên cạnh chương trình giảm giá 20% thịt ủ mát MEATDeli và rau an toàn WinEco tới khách hàng WiN, WinCommerce còn triển khai các chương trình khuyến mại định kỳ, đã và đang triển khai các mặt hàng nhãn hiệu riêng biệt như: Gạo Ngọc Nương, WinMart Good (thực phẩm khô), WinMart Cook (thực phẩm tươi sống), WinMart Home (đồ gia dụng), WinMart Care (chăm sóc cá nhân) có giá thành rẻ hơn 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường. WinCommerce sẽ mở mới 400 - 1. 000 cửa hàng trong năm nay, dựa theo xu hướng "ấm" dần của thị trường tiêu dùng.

Ngoài 2 yếu tố chủ lực Masan Consumer và WinCommerce, Masan Group cũng có các công ty con đang chiếm giữ ngôi vị dẫn đầu trong nhiều ngành hàng gồm Masan MEATLife (chuỗi giá trị thực phẩm), Phúc Long (chuỗi bán lẻ F&B), Masan High-Tech Materials (nguyên vật liệu công nghiệp công nghệ cao). . .

Năm 2024, doanh thu thuần hợp nhất của Masan dự kiến dao động trong khoảng từ 84.000 đến 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng khoảng 7% đến 15% so với cùng kỳ năm trước. Các mảng bán lẻ tiêu dùng chủ lực tiếp tục được xem là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Các công ty và đối tác của Masan sẽ tập trung đầu tư vào hoạt động gia tăng giá trị thông qua chương trình Hội viên WIN. LNST thuần cốt lõi chưa phân phối cho cổ đông hiện hữu (Core NPAT Pre – MI) dự kiến sẽ dao động quanh mức 2.290 đến 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với 1.950 tỷ đồng trong năm 2023. Những chiến lược vững chắc này sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh cho giá cổ phiếu của Masan Group.

Dự báo triển vọng tích cực cho giá cổ phiếu của Masan Group

Theo quan sát, cổ phiếu MSN đã tăng giá 37% từ đầu tháng 11/2023 tới nay bất chấp đợt giảm giá kéo dài. Trong một tháng gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng mạnh đối với cổ phiếu này.

Tại báo cáo công bố vào đầu tháng 6, Chứng khoán SSI tăng giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu MSN ở mốc 93.400 đồng.

Theo SSI, đà tăng trưởng của Masan sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2025, theo ước tính MSN có thể ghi nhận 98.000 tỷ đồng doanh thu (+9, 8% YoY) và 2.800 tỷ đồng lợi nhuận ròng (+157% YoY). Lợi nhuận của các công ty con khác như WCM, MML và MSR sẽ tiếp tục được cải thiện hơn và chi phí lãi vay thấp có thể đóng vai trò là động lực tăng trưởng lợi nhuận trong khi MCH và TCB được dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng hiện tại.

Lợi nhuận ước tính của Masan trước mắt trong quí II/2024 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tương đối tích cực so với cùng kì. Mặt khác, thông tin liên quan đến việc trả cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt và niêm yết HoSE của MCH hoặc ghi nhận dòng tiền từ đợt bán vốn HCS sẽ là các yếu tố giúp tăng giá cổ phiếu.


Tin liên quan

Cập nhật

Các cổ phiếu tiềm năng được các tổ chức tài chính đánh giá tích cực

23/07/2024

Cập nhật

Đi tìm động lực tăng giá của cổ phiếu Masan Consumer

22/07/2024

Cập nhật

Công nghệ tiêu dùng đang thay đổi ngành bán lẻ như thế nào?

10/07/2024

Cập nhật

Vì sao các tổ chức tài chính khuyến nghị tích cực với cổ phiếu MSN?

10/07/2024

Cập nhật

Giải mã triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu tiêu dùng – bán lẻ

01/07/2024

Cập nhật

3 động lực tăng trưởng của giá cổ phiếu Masan Consumer

01/07/2024