Theo VNeconomy, chứng khoán Mirea Asset Việt Nam (MAS) vừa đưa ra danh mục khuyến nghị 10 cổ phiếu thuộc 10 nhóm ngành có tiềm năng tăng giá tốt trong thời gian 12 tháng tới. Có mã tiềm năng tăng giá lên đến 65%.
Các cổ phiếu này gồm: VPB giá mục tiêu 23.800 đồng/cổ phiếu, tăng 30%. Ngoài đề xuất nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém, Đại hội cổ đông có một vài điểm chính như: 1) VPB dự định sẽ tiếp tục mức chia cổ tức tiền mặt là 10% cho năm 2023, tương tự như năm 2022; 2) đối với năm 2024, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 25% (2023: +25.2%); và 3) lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng khoảng 114%.
Trong nhóm ngân hàng theo dõi, VPB được cho là sẽ có mức chuyển biến tích cực nhất về mặt lợi nhuận trong năm 2024 dựa trên nền kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2023. GAS giá mục tiêu 98.300 đồng/cổ phiếu, tăng 33%: Các dự án triển vọng bao gồm kho cảng LNG Thị Vải và đường ống khí Lô B Ô Môn sẽ lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2024 và cuối năm 2026. Ước tính, năm 2024 doanh thu đạt 92.926 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 11.756 tỷ đồng.
Tiềm năng tăng trưởng dài hạn: Các dự án triển vọng bao gồm kho cảng LNG Thị Vải và đường ống khí Lô B Ô Môn sẽ lần lượt đi vào hoạt động trong năm 2024 và cuối năm 2026, dự kiến đóng góp đáng kể vào doanh thu. Ngoài ra, PVGAS đã ký kết hai văn bản liên quan đến hợp đồng mua bán khí (GSPA) tại các mỏ cận biên Tây Nam Bộ trong những tháng đầu 2024. Các dự án này sẽ góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt khí của khu vực Tây Nam Bộ đang ngày càng leo thang khi chi phí nhập khí từ Petronas để đáp ứng nhu cầu của cụm Cà Mau tăng cao.
BWE giá mục tiêu 50.600 đồng/cổ phiếu, tăng 18%. Dự phóng 2024: Trong năm 2024, doanh thu dự kiến tăng 7,1% so với cùng kỳ đạt 3.776 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng ước phục hồi trở lại mức 757 tỷ đồng tăng 12,3% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2024-2028 dự phóng duy trì ổn định ở mức 6,6% và 15,6% mỗi năm.
NT2 giá mục tiêu 25.200 đồng/cổ phiếu, tăng 13%: Các tháng 5, 9, 10/2024 sẽ có sản lượng phát điện và sản lượng điện hợp đồng Qc được giao cao nhất (chiếm 67% tổng Qc cả năm). Dự kiến doanh số bán hàng trong năm 2024 là 4.977 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ là 157 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt ước đạt 10%.
VRE giá mục tiêu 32.100 đồng/cổ phiếu, tăng 41%: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy đến 31/12/2023 là 16.476 tỷ đồng. Giai đoạn 2024 - 2027, VRE sẽ phát triển thêm 800.000m2 trung tâm thương mại. Năm 2024, VRE đặt mục tiêu doanh thu 9.500 tỷ đồng (-2,9%) và Lợi nhuận sau thuế 4.420 tỷ đồng (+0,2%).
VHM giá mục tiêu 63.000 đồng/cổ phiếu, tăng 53%: VHM đang giao dịch tại mức P/B 0,96, chiết khấu gần 72% so với P/B trung bình 5 năm khoảng 3,5. Biến động giá cổ phiếu đã phần nào phản ánh sự lo ngại về: (1) khả năng thị trường BĐS phục hồi chậm, (2) đòn bẩy gia tăng trong các quý gần đây, (3) giao dịch với các bên liên quan của VHM gia tăng. HHV giá mục tiêu 21.250 đồng/cổ phiếu, tăng 65%: Trong năm 2024, MAS dự phóng doanh thu và LNST của công ty mẹ lần lượt là 3.231 tỷ đồng (+20% YoY) và 408 tỷ đồng (+27,5% YoY), với EPS là 992 đồng.
HHV báo cáo doanh thu Q1/2024 đạt 690 tỷ đồng tăng 28% và lợi nhuận sau thuế đạt 114 đồng tăng 37%. Trong đó, doanh thu dịch vụ BOT chiếm 69% và mảng Xây dựng chiếm 28%. Công ty đặt mục tiêu tăng 41,3% vốn điều lệ lên 5.816 tỷ đồng từ giá trị hiện tại là 4.116 tỷ đồng thông qua ba nguồn: chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Vốn thu được sẽ sử dụng tài trợ cho 2 dự án cao tốc bắt đầu xây dựng vào năm 2024: Đồng Đăng – Trà Lĩnh & Hữu Nghị – Chi Lăng. T3/2024, HHV công bố giá trị nhận thầu dự kiến tại Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: 1) 836 tỷ đồng trong hợp đồng EC thuộc gói thầu EC01 (KM0+000 - KM38+000) và 2) 86 tỷ đồng trong hợp đồng EPC. Thời gian thực hiện dự kiến từ khi ký hợp đồng đến trước ngày 31/12/2026.
HPG giá mục tiêu 36.400 đồng/cổ phiếu, tăng 28%: (1) Doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh về sản xuất HRC; (2) Xu hướng giá thép giảm trong quý I/2024 không còn đáng quan ngại; (3) Hàng tồn kho giá vốn cao đã được xử lý, động lực tăng trưởng từ biên lợi nhuận sẽ được phản ánh trong giai đoạn tiếp theo.
Nhờ hàng tồn kho giá vốn cao đã được xử lí trong Q1/2024, động lực tăng trưởng từ biên lợi nhuận sẽ được phản ánh trong giai đoạn tiếp theo. Mặt bằng giá thép đã được cải thiện trên mức trung bình 3 năm kể từ Q4/2023 và mức giá hiện tại có thể được duy trì trong thời gian tới nhờ các yếu tố cơ bản trong nước và cơ hội xuất khẩu.
Ngoài ra, diễn biến giảm giá nguyên liệu hiện tại đối với quặng sắt và than cốc (chiếm ~70% chi phí đầu vào) cũng sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận. Do HPG đã sử dụng hết phần lớn hàng tồn kho có giá vốn cao trong các quý trước, biên lợi nhuận sẽ bắt đầu gia tăng và hiệu quả hoạt động sẽ được nâng cao vào các quý tiếp theo trong năm 2024.
VNM giá mục tiêu 79.500 đồng/cổ phiếu, tăng 22%: Trong 2024, VNM đề ra kế hoạch doanh thu ở mức 63.163 tỷ đồng tăng 4,4%, lợi nhuận sau thuế là 9.376 tỷ đồng tăng 4%. Tổng mức cổ tức của cả năm là 38,5% mệnh giá, tương đương 3.850 đồng/cổ phiếu. Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do (FCFF) với một số giả định chính: (1) WACC là 11%; (2) tốc độ tăng trưởng sau năm 2034 ở mức 3%, MAS định giá cổ phiếu VNM 79.500 đồng.
Cuối cùng MSH giá mục tiêu 48.400 đồng/cổ phiếu, tăng 6%: Dự báo doanh thu năm 2024 của MSH ở mức 4.800 tỷ đồng tăng 5,7%, lợi nhuận sau thuế 335,2 tỷ đồng tăng 36,7%. Sử dụng phương pháp FCFF để xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu MSH với tỷ suất lợi nhuận yêu cầu là 14% và giả định tăng trưởng dài hạn là 0% sau năm 2034, MAS định giá cổ phiếu MSH 48.400 đồng.
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán BIDV (BSC), nhóm phân tích đã đưa ra khuyến nghị mua mạnh đối với cổ phiếu CTCP Tập đoàn Masan (MSN) với giá mục tiêu trong trung hạn là 100.000 đồng/cp, tiềm năng tăng giá 36% so với giá đóng cửa ngày 24/5/2024). Về kết quả kinh doanh quý I, mảng kinh doanh cốt lõi của MSN tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng trưởng 6% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận hoạt động tăng 3,1 điểm%.
Điểm sáng đến từ các sự kiện cuối quý I – đầu quý II/2024 nhờ kỳ vọng hoạt động kinh doanh của CTCP Masan High-Tech Materials (MSR) được cải thiện khi nối lại hoạt động nổ mìn, khoản đầu tư hơn 6.000 từ Bain Cap và dòng cổ tức từ CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) và thông tin liên quan đến thoái vốn mảng kinh doanh phi tiêu dùng, giúp giảm đòn bẩy tài chính cho MSN.
Dựa vào số liệu giai đoạn 2019-2023, BSC nhận thấy rằng MSN đã xây dựng hoàn chỉnh hệ sinh thái trong chuỗi giá trị tiêu dùng gồm MCH, WCM, MML và PHL, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu CAGR 2019-2023 là 20%.
Đồng quan điểm với BSC, nhiều tổ chức tài chính khác cũng đưa ra mức giá mục tiêu của cổ phiếu MSN với tiềm năng tăng giá từ 29%-35% so với giá thị trường. Đơn cử, HSBC khuyến nghị MUA cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 98,000 đồng/cp, hay VCI dự phóng giá mục tiêu của MSN ở mức 102,800 đồng/cp. Cùng chung một lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ, trong khi những mã chứng khoán như MWG, FRT đã bứt phá mạnh từ đầu năm, thì cổ phiếu MSN tăng trưởng không đáng kể. Với những thông tin tích cực gần đây kết hợp với thị giá hiện tại, cổ phiếu MSN được đánh giá chưa thể hiện hết giá trị nội tại của doanh nghiệp.