Giá cổ phiếu của Masan Group tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024
Sau thời gian dài đi ngang, giá cổ phiếu của Masan (mã MSN – sàn HoSE) bắt đầu hút dòng tiền và tăng trở lại, động lực tăng giá đến từ triển vọng kinh doanh tăng trưởng trở lại, cũng như là một trong số ít cổ phiếu tiềm năng có thể hưởng lợi trực tiếp từ việc nâng hạng thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu bán lẻ hưởng lợi từ việc nâng hạng thị trường chứng khoán
Trong năm 2023, Chính phủ đã cùng với Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy nỗ lực mở ra dòng vốn cho thị trường trái phiếu, kích cầu đầu tư công, giải quyết vấn đề pháp lý cho dự án bất động sản, và giảm lãi suất huy động vốn và cho vay thông qua việc hạ lãi suất điều hành.
Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhưng nền kinh tế vẫn chưa hồi phục được như kỳ vọng do độ trễ của chính sách, dấu hiệu hồi phục chỉ mới bắt đầu trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 khi các chính sách kích cầu bắt đầu có tác động lên nền kinh tế trong nước, ngoài ra các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đang bước vào giai đoạn đầu của việc hạ lãi suất, đây là các tín hiệu tích cực cho dòng vốn và sự hồi phục của kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.
Thực tế, trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5% với nhiều động lực từ tiếp tục thu hút vốn FDI, hoạt động xuất khẩu hồi phục và tăng trưởng trở lại, niềm tin tiêu dùng quay trở lại… và đặc biệt hơn là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ năm 2023 bắt đầu tác động tích cực đến nền kinh tế. Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần lượt dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,9%, 5,5% và 6% trong năm 2024, một mức khá cao so với các nước trong khu vực như Thái Lan (tăng trưởng từ 2,7% đến 3,7%), Indonesia (từ 4,9% đến 5%), Singapore (tăng trưởng từ 2,1% đến 4,8%), Malaysia (từ 4% đến 4,9%)…
Trong 2024, các Công ty chứng khoán đều dự báo sự hồi phục kinh tế, trong đó điểm sáng đến từ ngành tiêu dùng, bán lẻ hàng hoá nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, cũng nền thấp năm 2023.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): “Năm 2024, Chúng tôi nhận thấy có một số cơ sở cho sự phục hồi của bán lẻ hàng hoá gồm sự phục hồi của khu vực sản xuất, lãi suất thấp thường là điểm neo giúp niềm tin tiêu dùng phục hồi, lạm phát trong nước vẫn tiếp tục trong tầm kiểm soát. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phía cầu của Chính phủ gồm giảm thuế VAT được duy trì, cải cách tiền lương toàn diện hơn trong năm 2024 sẽ giúp tiền lương khu vực công tăng cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng tích cực hơn”.
Thực tế, nổi bật trong nhóm doanh nghiệp tiêu dùng, CTCP Tập đoàn Masan, doanh nghiệp cung cấp vạn nhu cầu cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời cũng là một trong số ít doanh nghiệp thành công với chiến lược mua bán – sáp nhập (M&A) các đơn vị khác để mở rộng hệ sinh thái, sau đó xây dựng và phát triển các thương hiệu nhanh chóng.
Các trung tâm phân tích của ba công ty chứng khoán hàng đầu bao gồm SSI Research, BSC Research và BVSC Research đều dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Masan sẽ tăng mạnh trong năm 2024.
Trong đó, SSI Research dự báo lợi nhuận tăng 177,4%, lên 1.161 tỷ đồng; BSC Research dự báo lợi nhuận tăng 204,1%, lên 204,1 tỷ đồng; và BVSC Research dự báo lợi nhuận tăng 294,4%, lên 1.651 tỷ đồng.
Yếu tố tạo đà tăng giá cổ phiếu Masan
Trong 2024, các Công ty chứng khoán đều dự báo sự hồi phục của thị trường chứng khoán, trong đó điểm sáng đến từ ngành tiêu dùng, bán lẻ hàng hoá nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, cũng mức nền thấp năm 2023.
Cụ thể, sau 15 tháng giao dịch, cổ phiếu MSN mới tiếp tục ghi nhận một phiên tăng hết biên độ để lên mức 75.700 đồng/cp. Đây cũng là thị giá cổ phiếu của Masan cao nhất trong hơn 5 tháng qua, kể từ đầu tháng 10/2023.
Không chỉ bứt phá về mặt điểm số, dòng tiền cũng cuồn cuộn chảy vào cổ phiếu MSN. Thanh khoản khớp lệnh trong các phiên giao dịch lên đến hàng chục triệu cổ phiếu, tăng gấp 3 lần so với bình quân và cũng là mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của MSN.
Đà tăng tốc của cổ phiếu MSN kéo vốn hóa tập đoàn tiêu dùng bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vượt mức 108.000 tỷ đồng, tương đương 4,3 tỷ USD. Đây cũng là mức vốn hóa Masan nhiều lần "chạm hụt", bởi cứ mỗi lần gần tiến đến mốc 100.000 tỷ đồng giá cổ phiếu của Masan lại gặp áp lực điều chỉnh.
Giá cổ phiếu Masan tăng nhờ sức khỏe tài chính tốt
Năm 2024, Masan đặt mục tiêu doanh thu trong khoảng 84.000 - 90.000 tỷ đồng, tăng từ 7,3 - 15% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 2.250 - 4.020 tỷ đồng, tăng 31% - 115% so với năm 2023. Kết thúc quý I/2024, doanh thu hợp nhất của MSN tăng trưởng nhẹ ở mức 18.855 tỷ đồng, lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số tăng gấp đôi so với của quý IV/2023.
Trong đó, báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý I/2024 của Tập đoàn Masan (MSN) cho thấy, doanh thu hợp nhất của MSN tăng trưởng nhẹ, ở mức 18.855 tỷ đồng. Đồng thời, MSN cũng vừa hoàn tất huy động vốn cổ phần 250 triệu USD từ Bain Capital.
Theo thỏa thuận, giao dịch đầu tư của Bain Capital vào Masan là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (“Convertible Dividend Preference Share” hoặc “CDPS”) được phát hành với giá 85.000 đồng/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1.
Mức cổ tức cố định của mỗi CDPS là 0% trong vòng 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi CDPS lên đến 10%/năm. Ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán.
Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các CDPS đang lưu hành sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của Masan Group.
Khoản đầu tư này sẽ tăng cường nguồn lực tài chính của Masan, nâng cao tính thanh khoản của công ty với lượng tiền mặt tăng thêm 6.228 tỷ đồng và nợ ròng /EBITDA ước tính (Pro-forma) giảm về mức 3,7x.
Đây là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. Cấu trúc của khoản đầu tư được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của MSN. Bain Capital hoàn toàn phù hợp và có chung tầm nhìn với cổ đông hiện tại của MSN.
Như vậy, Masan đã tiếp tục củng cố bảng cân đối kế toán thông qua việc giảm đòn bẩy tài chính, giảm chi phí lãi vay. Ngoài ra, với việc mặt bằng lãi suất trong nước đã và đang giảm, đồng thời chi phí vốn ở thị trường quốc tế đang trên đà giảm theo lộ trình cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, đây tiếp tục là cơ sở cho Masan có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn, giảm áp lực chi phí lãi vay hơn nữa trong thời gian tới, giúp tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu đối với nhà đầu tư khi sự lành mạnh của bảng cân đối tiếp tục cải thiện.
Khả năng huy động vốn quốc tế
Trong 2 năm vừa qua, Masan đã thành công huy động được 1,5 tỷ USD từ thị trường vốn toàn cầu. Trong quý IV/2023, công ty đã phòng ngừa thành công 100% rủi ro các khoản nợ dài hạn bằng đồng USD với các điều khoản hợp lý: 950 triệu USD tiền gốc vay được chuyển đổi sang VND ở tỷ giá 23.937 VND/USD và lãi suất cố định ở mức 8,93% mỗi năm.
Theo đó, hoán đổi lãi suất (Interest Rate Swaps) kết hợp với FX kỳ hạn: 45 triệu USD thanh toán gốc vào năm 2024 với tỷ giá (FX) là 24.005 VND/USD; 300 triệu USD có lãi suất cố định 6,48% mỗi năm trong 5 năm với tỷ giá 1 năm (1-year FX) ở mức 23.790 VND/USD để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tiền tệ và lãi suất. Do đó, việc đồng USD tăng giá gần đây không gây tác động trọng yếu đến lợi nhuận của công ty.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Techcombank (TCB), công ty liên kết của Masan đã thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt. Sở hữu 19,9% lợi ích kinh tế tại TCB, Masan dự kiến sẽ nhận được hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong 6 tháng tới, giúp công ty thuận lợi trong công tác giảm đòn bẩy tài chính.
Theo HSBC thị giá cổ phiếu của Masan có thể tăng 46% trong vòng 12 tháng tới đây trong bối cảnh tập đoàn này có thể chuyển niêm yết cổ phiếu Masan Consumer. HSBC nhận định các mảng kinh doanh của Tập đoàn Masan hiện có triển vọng phát triển tích cực. Trong đó, Masan Consumer đang duy trì mức tỷ suất lợi nhuận cao kể từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và thực phẩm đóng gói trong khu vực Đông Nam Á.
HSBC cùng nhiều tổ chức tài chính đánh giá nếu kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu MCH của Masan Consumer được Tập đoàn Masan thực hiện thành công thì các kế hoạch mở rộng kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi đáng kể, đặc biệt là trong việc tiếp cận các dòng vốn quốc tế.