TIN TỨC

Những thông tin đặc sắc về Tập đoàn Masan và thị trường

16/04/2024

Cổ phiếu MSN lọt tầm ngắm khuyến nghị mua khi thị trường chứng khoán được nâng hạng

Dự kiến hàng tỷ đô sẽ tiến vào thị trường Việt Nam khi thị trường được nâng hạng

Tại Chỉ thị số 06 ngày 15/2 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025.

Việc nâng hạng thị trường được kỳ vọng là sẽ giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài và một số lượng lớn các tổ chức nước ngoài uy tín có quy mô lớn. Từ đó, nó tác động tích cực đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo báo cáo về thị trường Việt Nam của JP Morgan, ước tính khoảng 0,5 tỷ USD vốn gián tiếp nước ngoài dự kiến ​​sẽ chảy vào thị trường Việt Nam nếu thị trường được nâng lên Thị trường mới nổi trong năm nay. Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư theo phương pháp thụ động ETFs sẽ phân bổ nguồn vốn vào thị trường mới nổi. Nếu ở thị trường cận biên, quỹ đầu tư thụ động sẽ chỉ dành 2-3% nguồn vốn. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán được xếp hạng cao hơn cũng làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư tổ chức quy mô lớn và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Để có thể nâng hạng thị trường, chứng khoán Việt Nam cần nâng cấp chất lượng đầu tư qua nhiều thay đổi. Trong đó, theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), vào cuối năm 2023 hệ thống KRX dự kiến sẽ chính thức ra mắt là một trong những nỗ lực để giúp thị trường lên hạng.

Mục đích của dự án này là nâng cấp hệ thống công nghệ và cơ sở hạ tầng của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ mang đến những sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ đem đến các tính năng như giao dịch trong ngày, nghiệp vụ bán khống, phân tán rủi ro,…

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư ngoại, với hy vọng nguồn tiền ngoại đổ vào thị trường, tập trung vào các cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn thì các cổ phiếu VN30 chưa đạt tiêu chí FOL ví dụ như cổ phiếu của Masan dự kiến sẽ hưởng lợi chính.

Thị trường bán lẻ - tiêu dùng bắt đầu phục hồi

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính chung quý 1 của năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%). Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,4%; du lịch lữ hành tăng 46,3%, các dịch vụ khác tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù mức tăng này thấp hơn so với mức 13,9% của quý 1 năm 2023, và sức mua của người tiêu dùng vẫn còn chịu thách thức, kỳ vọng về sự phục hồi về mức hai con số vẫn còn khả quan. Những chính sách hỗ trợ nền kinh tế như gia hạn chính sách giảm thuế VAT cho đến tháng 6 năm nay, hay những chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp sẽ bắt đầu thấm nhuần và giúp cải thiện mức tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ - tiêu dùng cũng tích cực triển khai các chiến lược việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số hóa nhằm kích cầu tiêu dùng.

Theo như báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán của KBSV, tổ chức đánh giá thị trường sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn dựa vào 4 yếu tố chính: nền kinh tế được dự báo quay lại mức tăng trưởng 6%, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và đầu tư công được đẩy mạnh, FED xoay chiều chính sách trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt tích cực và có thể tránh được 1 cuộc suy thoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ tránh được sự đổ vỡ trong năm 2024. Nhìn chung các danh mục được đánh giá tích cực từ các tổ chức tài chính như KBSV, JP Morgan và UBS bao gồm ngân hàng, công nghệ thông tin, và bán lẻ.

Trong năm 2023, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ có sự phân hoá giữa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và tiêu dùng không thiết yếu. Các doanh nghiệp liên quan đến bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu (MSN, VNM, chuỗi Long Châu của FRT, chuỗi Bách Hoá Xanh của MWG) vẫn duy trì được doanh thu khả quan. Trong khi đó, các công ty liên quan đến mặt hàng ICT (MWG, FRT, DGW) chứng kiến sự sụt giảm doanh thu mạnh do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu như điện thoại, laptop. Ngành hàng bán lẻ trong năm nay được dự kiến sẽ phục hồi và tiếp tục tăng trưởng dương đối với các mặt hàng thiết yếu.

Tập đoàn bán lẻ - tiêu dùng tham vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ

Kết thúc năm 2023, theo kết quả kinh doanh hợp nhất, CTCP Masan (“MSN”) đạt doanh thu thuần 78.252 tỷ đồng (tăng 2,7% so với năm trước), biên lợi nhuận gộp đạt 28,3% tăng 0,9 điểm phần trăm so với năm 2022.

Chi phí lãi vay đã dần được cải thiện, đạt 1.669 tỷ đồng, giảm nhẹ so với các quý trước. Đáng chú ý, MSN cho biết đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn trong năm 2023. Trong năm 2024, tổng nợ dài hạn đến hạn trả của MSN đã giảm mạnh so với đầu năm 2023, Masan đã hoàn toàn thu xếp được nguồn cho toàn bộ các khoản nợ đến hạn trong năm 2024, bao gồm 8,4 nghìn tỷ trái phiếu đến hạn, một phần lớn đã được trả ngay trong Quý 1 năm nay.

Một tin vui nữa cho tập đoàn này khi trong năm 2024 MSN sẽ sớm đón nhận một lượng tiền mặt lớn giúp gia tăng thanh khoản. Theo báo cáo tài chính 2023, tập đoàn hiện có gần 17 nghìn tỷ tiền mặt và sắp tới dự kiến có thêm 250 triệu đô từ Bain Capital, đưa lượng tiền mặt dự kiến lên 23 nghìn tỷ trong thời gian tới.

Trụ cột bán lẻ - tiêu dùng với các công ty WinCommerce (WCM), Masan Consumer Holdings (MCH) và Masan MEATLife (MML) đạt được nhiều kết quả khả quan. WCM giữ đà tăng trưởng doanh thu, liên tục cải thiện biên EBITDA với nhiều cửa hàng đã có được lợi nhuận và tiến gần tới hoà vốn toàn chuỗi. Thị trường tiêu dùng trong năm 2024 sẽ còn khó dự đoán, tùy vào tình hình thị trường WCM dự kiến sẽ mở mới 400 - 700 cửa hàng tiện lợi mới với kỳ vọng đạt mức doanh thu thuần từ 32.500 đến 34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt so với cùng kỳ từ 8% đến 13%. Ngoài việc mở rộng chuỗi bán lẻ, WCM cũng sẽ tiếp tục phát triển nhiều tiện ích, giúp giảm bớt chi phí tiêu dùng của khách hàng. Bên cạnh đó, chương trình Hội viên WIN, hiện đã cán mốc 8 triệu hội viên, vẫn sẽ được đẩy mạnh, giúp cho người tiêu dùng tiếp cận những mặt hàng rau củ sạch, thịt mát dinh dưỡng của nhãn hiệu WinEco, và MEATDeli với mức giá rẻ hơn khi được chiết khấu 20%.

MCH và MML đạt tăng trưởng mạnh ở nhiều ngành hàng, biên lợi nhuận tiếp tục cải thiện nhờ giá đầu vào hạ nhiệt và tối ưu tốt các chi phí tồn kho, logistic. Năm 2024, MCH hướng tới việc tiếp tục nhân rộng và phát triển hơn trong chiến lược cao cấp hóa cho ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, tiếp nối những thành công trong năm 2023 từ những sản phẩm sáng tạo như lẩu tự sôi Omachi, mì Kokomi cỡ đại, nước mắm Nam Ngư tỏi ớt Lý Sơn,... Bên cạnh đó, MML sẽ đặt mục tiêu gia tăng doanh thu sản phẩm thịt mát trong hệ thống bán lẻ của WCM qua các hoạt động digital marketing, mở thêm gian hàng thịt trong các cửa hàng, siêu thị WCM và triển khai thêm nhiều tiện ích cá nhân hóa cho hội viên WIN. Bên cạnh đó, MML sẽ phát triển hệ thống tự động bổ sung hàng tại các điểm bán nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng liền mạch đến tay người tiêu dùng.

Trong năm 2024, theo dự phóng của BVSC, doanh thu thuần hợp nhất của MSN sẽ đạt 90.417 tỷ (+15,5% yoy) và lợi nhuận sau thuế - cđts đạt 1.651 tỷ, tăng gần 4 lần so với nền thấp năm 2023. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận được kỳ vọng vào hoạt động kinh doanh của hai trụ cột MCH và WCM. Hơn nữa, MSN cũng có chủ trương giảm sở hữu trong các hoạt động kinh doanh không cốt lõi như Masan High-tech Materials để giảm gánh nặng lợi nhuận cũng như dồn lực cho các mảng kinh doanh cốt lõi.

Cổ phiếu MSN được đánh giá khuyến nghị đầu tư

Thực tế, nổi bật trong nhóm doanh nghiệp tiêu dùng, cổ phiếu MSN đang được nhiều công ty chứng khoán đánh giá cao với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Bằng phương pháp SOTP, BVSC xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu MSN là 93.200 đồng/cp và khuyến nghị OUTPERFORM. Đơn vị cho rằng thời điểm khó khăn nhất về áp lực tài chính đã qua, và sự phục hồi mạnh mẽ về lợi nhuận của Tập đoàn, nhờ sự vững vàng của các mảng kinh doanh Tiêu dùng và chi phí lãi giảm, sẽ tạo động lực tích cực cho giá cổ phiếu trong năm 2024. BVSC cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số blue-chips khác, có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đối với JP Morgan, trong báo cáo chiến lược thị trường mới đây, cùng với TCB, ACB và FPT, MSN là một mã được lựa chọn trong danh mục nên đầu tư cho 2024. Tổ chức này vẫn ưa thích các nhóm ngành ngân hàng, công nghệ và tiêu dùng cho năm 2024. Sử dụng phương pháp SOTP (sum-of-the-parts), MSN được J.P Morgan định giá với mức 102.000 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan

Cập nhật

Triển vọng của cổ phiếu Masan Group trong dài hạn

01/08/2024

Cập nhật

Các cổ phiếu tiềm năng được các tổ chức tài chính đánh giá tích cực

23/07/2024

Cập nhật

Đi tìm động lực tăng giá của cổ phiếu Masan Consumer

22/07/2024

Cập nhật

Công nghệ tiêu dùng đang thay đổi ngành bán lẻ như thế nào?

10/07/2024

Cập nhật

Vì sao các tổ chức tài chính khuyến nghị tích cực với cổ phiếu MSN?

10/07/2024

Cập nhật

Giải mã triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu tiêu dùng – bán lẻ

01/07/2024